Việt Nam với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đã được ca ngợi bởi nhiều chính sách ứng phó hiệu quả. Giờ đây, Việt Nam đang nới lỏng cách ly và lên kế hoạch phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội. Covid 19 đã khiến 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn(theo báo cáo tác động của COVID-19 đến nền Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhưng cũng có không ít các startup, xu thế mới nổi lên.Theo TS. Cấn Văn Lực, có ít nhất 6 xu thế chính và 4 nhóm cơ hội đầu tư – kinh doanh quan trọng trong thời gian tới cần đặc biệt lưu ý.
6 xu thế chính.
Đầu tiên là xu thế đầu tư vào những tài sản an toàn hơn
Diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp trên thế giới, trong lúc thị trường chứng khoán biến động khó lường, người dân quan tâm nhiều hơn đến vàng, được coi là tài sản trú ẩn có tính thanh khoản cao khi kinh tế bất ổn. Gần đây giá vàng liên tục có những mức tăng ấn tượng (giá vàng thế giới tăng khoảng 12% tính từ đầu năm 2020). Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng thực hiện chiến lược đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro. Những nhà đầu tư sành sỏi đều cho rằng “tiền mặt là vua” do vậy gửi tiết kiệm cũng được coi là phương án an toàn.
Hai là, xu thế mua-bán, sáp nhập (M&A) tăng
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều công ty phá sản, giá cổ phiếu giảm sâu song vẫn có những công ty phát triển tốt sẵn sàng mua lại các các công ty khác. Một số lĩnh vực chứng kiến xu thế M&A mạnh bao gồm ngành công nghiệp ô tô, bán lẻ, hàng không . Tuy nhiên, Theo khảo sát của E&Y trước dịch COVID-19, tỷ lệ các công ty dự kiến tích cực tham gia M&A trong năm 2020 là 59% so với con số hiện tại là 54%, cho thấy phần lớn công ty sẽ không thay đổi kế hoạch hoạt động M&A của mình và sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Ba là xu thế cắt giảm chi phí và nhân sự
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ dự kiến lên đến 11% trong tháng 5/2020 (cao hơn mức 9,5% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, theo CitiResearch). Kết quả từ cuộc khảo sát của ĐH KTQD cho thấy, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công. Trong khi đó, các công ty cung cấp hàng hóa thiết yếu, thực phẩm (như Walmart, thương mại trực tuyến…) lại đang tuyển dụng một lượng nhân sự lớn do nhu cầu tăng cao. kỳ vọng là sẽ giảm dần sau dịch bệnh, khi các nhà máy, doanh nghiệp trở lại làm việc
Bốn là, xu thế kinh doanh số
Dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng 4.0 cùng với chuyển đổi số(như họp trực tuyến, làm việc tại nhà, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến..). Các doanh nghiệp nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn khi dịch bệnh kết thúc.
Năm là, xu thế thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị
Dịch bệnh hiện việc vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Cùng với đó là sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc- đất nước bùng phát dịch đầu tiên trên thế giới. Có tới 75% số công ty ở Mỹ tham gia khảo sát cho biết chuỗi cung ứng của họ bị gián đoạn. Việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu chủ yếu ở các ngành như dệt may, da giầy.Xu thế này cũng là chất xúc tác để các công ty đa quốc gia quyết định dịch chuyển đầu tư, cơ sở sản xuất của mình từ Trung Quốc sang các nước khu vực, trong đó có Việt Nam.
Sáu là, xu thế quan tâm nhiều hơn đến phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường
Bài học từ dịch Covid-19 cho thấy chúng ta cần quan tâm hơn đến việc chăm lo sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.Cần tích cực đầu tư phát triển y tế dự phòng, nghiên cứu và sản xuất vaccine, trang thiết bị y tế cùng với các chương trình bảo vệ môi trường trung – dài hạn. Chuyển hướng vào sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe và dược phẩm.v.v. Điển hình là Tập đoàn Vingroup đã đăng ký sản xuất máy thở để đảm bảo công tác ngăn chặn dịch bệnh ở nước ta đồng thời mở ra cơ hội về ngành sản xuất mới trong tương lai.
Cơ hội đầu tư – kinh doanh sau dịch
Một là, cơ hội đầu tư – kinh doanh số
Dù dịch bệnh đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất – kinh doanh trên nền tảng tự động hóa (phát triển tài chính số, Fintech, thương mại điện tử, đào tạo trực tuyến, thanh toán điện tử giải trí số, làm việc từ xa, khám chữa bệnh từ xa, định vị hành trình cá nhân..v.v) sẽ tiếp tục được duy trì và đầu tư phát triển hơn nữa. Theo đó, các dịch vụ hỗ trợ sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh như kho vận (logistics), giao hàng nhanh (fast shipping), đóng gói, cung ứng nền tảng (platforms), livestream sự kiện, an ninh mạng, phân tích dữ liệu, tư vấn phát triển kinh doanh số…v.v.
Hai là, cơ hội từ xu thế tăng đầu tư công
Những khoản đầu tư an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, hạ tầng ICT, dịch vụ y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu này đang được các nước quan tâm thực hiện vì chúng vừa có tác động tích cực ngắn hạn (thúc đẩy tăng trưởng) cũng như tạo tiền đề phát triển lâu dài.
Ba là, cơ hội đầu tư – kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe, dược phẩm, sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường
Cơ hội này đã có được trong những năm gần đây và dịch bệnh lại càng thúc đẩy nhu cầu thiết yếu này. Doanh nghiệp trong nước đã chuyển sang sản xuất khẩu trang, nước rửa tay,..để đáp ứng nhu cầu nước ta. Các viện nghiên cứu đã được xem trọng đầu tư khi đưa ra được phác đồ điều trị khiến đất nước ta hiện nay chưa có ca tử vọng nào.
Bốn là, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra nhờ tác động kép
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vốn dĩ đã thúc đẩy tiến trình này, với tâm lý e ngại rủi ro dịch bệnh (làm gián đoạn chuỗi cung ứng cả phía cung và phía cầu) có thể khiến việc này diễn tiến nhanh hơn, quyết liệt hơn. Việt Nam nói chung, các địa phương và doanh nghiệp Việt nói riêng cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn để lường đón và tận dụng cơ hội này.
Trong bối khó khăn vì dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu và giảm mạnh đà tăng trưởng của Việt Nam là khó tránh khỏi; việc chủ động triển khai, tranh thủ những cơ hội đầu tư – kinh doanh mới này sẽ giúp mỗi quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp có phần bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng, phù hợp xu thế CMCN 4.0, tăng năng suất lao động, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh (do hạn chế tiếp xúc không cần thiết), giảm thiểu rủi ro môi trường (do quan tâm hơn đến phát triển các mô hình kinh doanh “sạch” và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu). Rõ ràng là không có lý do gì để chúng ta không tận dụng cả!
Nguồn: CafeF