Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kinh tế Việt Nam bước sang năm 2019 tiếp tục có những yếu tố thuận lợi nhất định, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thử thách.
Mặc dù kinh tế năm 2019 có mức tăng trưởng khá, nhưng trong cơ cấu tăng trưởng còn có một số vấn đề cần lưu ý. Dựa trên mục Khu vực kinh tế thực năm 2019 trong Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2019 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chúng tôi đã đưa ra một số nhận định về cơ cấu tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 như sau:
PGS.TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân) – chủ biên của ấn phẩm thường niên | Hình ảnh: Le Cerne NEU
GS.TS. Trần Thọ Đạt (Đại học Kinh tế Quốc dân) – chủ biên của ấn phẩm thường niên | Hình ảnh: Le Cerne NEU
Theo thành tố chi tiêu, năm 2019, chi tiêu cuối cùng tăng 7,23%, đã đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 7,02% của cả năm 2019. Trạng thái xuất siêu cao cũng đã hỗ trợ lớn đến tăng trưởng. Tổng tích lũy tài sản năm 2019 tăng 8,28%, và tổng nguồn vốn đầu tư xã hội tăng 10,2% so với năm 2018. Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2019 chiếm đến 33,9% GDP, cao nhất kể từ năm 2011, phản ánh tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào đầu tư.
Trong tổng vốn đầu tư xã hội, mức tăng cao nhất là từ khu vực tư nhân, theo đó vốn từ khu vực này đã chiếm tới 46% tổng vốn đầu tư xã hội, cao nhất so với các khu vực khác của nền kinh tế, và cũng là mức cao nhất từ trước cho đến nay, phản ánh sự phát triển của khu vực này trong những năm vừa qua. Khu vực FDI chiếm 23% tổng vốn đầu tư xã hội. Trong khi đó, vốn từ khu vực Nhà nước chỉ tăng 2,6% (so với 3,9% năm 2018), chiếm 31% tổng vốn đầu tư xã hội (so với 33,3% năm 2018), tiếp tục xu hướng giảm dần về tỷ trọng kể từ năm 2012. Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn đầu tư từ NSNN thực hiện năm 2019 chỉ đạt 89,5% kế hoạch. Điều này phản ánh tình trạng khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai và giải ngân vốn đầu tư công.
Hình 1. Cơ cấu vốn đầu tư trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội
Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2019 vẫn chiếm đến 33,9% GDP, cao nhất kể từ năm 2011 | Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của TCTK
Theo cơ cấu sản xuất, ngành dịch vụ tăng trưởng 8,3%, chiếm tới 41,64% tổng sản lượng (cao nhất so với các ngành khác của nền kinh tế). Ngành dịch vụ đã đóng góp 3,16 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) đạt mức tăng trưởng 0,61%, mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2019, do ảnh hưởng của hạn hán, biến đổi khí hậu, và dịch bệnh. Ngành này hiện cũng chỉ chiếm 13,96% tổng sản lượng, tiếp tục xu hướng giảm về tỷ trọng từ năm 2011.
Đóng góp quan trọng nhất vào tăng trưởng là ngành công nghiệp và xây dựng. Trong năm 2019, ngành này đã tăng 8,90%, đóng góp 3,54 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Tuy nhiên, đóng góp chính cho mức tăng trưởng tốt hơn của ngành công nghiệp và xây dựng là ngành công nghiệp khai thác mỏ – ngành này đã chấm dứt đà suy giảm với mức tăng trưởng dương 0,9% (so với mức suy giảm 2% của năm 2018) – chứ không phải là ngành công nghiệp CBCT. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp CBCT mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng đang tiếp tục xu hướng suy giảm từ năm 2017. Bên cạnh đó, chỉ số PMI có xu hướng giảm so với năm 2018, phản ánh sự phát triển của khu vực DN đã chững lại so với trước.
Hình 2. Chỉ số phát triển các ngành công nghiệp
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của TCTK
Theo cơ cấu thu nhập, thu nhập của người lao động chiếm 78% tổng giá trị tăng thêm và 70,27% GDP, là thành phần đóng góp chủ yếu trong tổng thu nhập của nền kinh tế. Trong khi đó, thặng dư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chỉ chiếm 5,85% trong tổng giá trị tăng thêm, 5,23% trong tổng GDP và 26,4% trong tổng thu nhập từ vốn – thấp nhất trong các khu vực sở hữu khác nhau. Điều này tiếp tục phản ánh quy mô nhỏ bé của khu vực này trong nền kinh tế. Trong khi đó, các tỷ trọng tương ứng của khu vực DN FDI là cao nhất, phản ánh những đóng góp quan trọng của khu vực này trong tổng thu nhập của nền kinh tế.
Bảng 1. Ước lượng GDP 2019 theo phương pháp thu nhập
Giá trị (tỷ đồng) | Tỷ trọng trong GVA (%) | Tỷ trọng trong GDP (%) | Tỷ trọng trong thu nhập từ vốn (%) | |
GDP | 6.037.348 | 100 | ||
GVA theo giá cơ bản | 5.438.721 | 100 | ||
Thuế sản phẩm thuần | 598.627 | 9,92 | ||
Thu nhập của người lao động | 4.242.202 | 78 | 70,27 | |
Thu nhập từ vốn | 1.196.519 | 22 | 19,82 | 100 |
DNNN | 331.272 | 6,1 | 5,49 | 27,7 |
FDI | 549.524 | 10,1 | 9,10 | 45,9 |
DNTN | 313.228 | 5,8 | 5,19 | 26,2 |
HTX | 2.495 | 0,05 | 0,04 | 0,2 |
Nguồn: Ước lượng từ bảng I/O, 2012, kết quả điều tra DN 2016 và số liệu VHLSS, Khu vực hộ cá thể theo SNA tính vào thu nhập của người lao động (Mixed income)
Chênh lệch GDP và GNI
Nếu chỉ nhìn vào quy mô GDP để đánh giá về nguồn lực của nền kinh tế có thể không phản ánh hết nguồn lực thực sự của nền kinh tế, vì theo nguyên tắc thường trú trong tính toán GDP thì GDP bao gồm cả phần thặng dư của các DN FDI, khoản này có thể được giữ lại hoặc cũng có thể được chuyển về công ty mẹ hoặc nước mẹ. Tính toán từ số liệu của TCTK cho thấy, tăng trưởng bình quân của khoản chi trả sở hữu trong giai đoạn 2013 – 2019 cao hơn mức tăng trưởng GDP bình quân trong cùng giai đoạn khoảng 11 điểm phần trăm, theo đó, thu nhập quốc gia (GNI) ngày càng chiếm tỷ trọng nhỏ hơn so với GDP. Năm 2013 GNI bằng 96% GDP, đến 2019 tỷ lệ này còn 92% GDP.
GNI nếu cộng thêm với khoản chuyển nhượng thuần (cơ bản là kiều hối) và thuế trực thu, sẽ được thu nhập quốc gia khả dụng (NDI). Ước tính từ số liệu của TCTK, NHNN, BTC cho thấy NDI so với GDP năm 2013 là 113%, đến năm 2019 tỷ lệ này chỉ còn 110%. NDI nếu trừ đi phần tiêu dùng cuối cùng của dân cư và chi thường xuyên của Chính phủ, sẽ được phần tiết kiệm (saving) của nền kinh tế. Theo ước tính, tiết kiệm của nền kinh tế trong GDP chiếm tỷ trọng cao hơn đầu tư thực hiện trên GDP, tuy nhiên khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư ngày càng bị thu hẹp. Năm 2013 tỷ lệ tiết kiệm so với GDP là 41% trong khi đầu tư so với GDP là 31%, khoảng cách giữa 2 tỷ lệ này là 10 điểm phần trăm; thì đến năm 2019, các tỷ lệ tương ứng là 35% và 33%, chênh lệch chỉ còn 2 điểm phần trăm. Về nguyên tắc, tiết kiệm lớn hơn đầu tư cho thấy nguồn lực của nền kinh tế là ổn, tuy nhiên nguồn lực này ngày càng có xu hướng giảm đi nhanh.
Một nghịch lý là mặc dù tiết kiệm lớn hơn đầu tư nhưng nền kinh tế vẫn vay nợ quá nhiều. Theo Sách trắng công bố bởi TCTK, bình quân tỷ lệ nợ phải trả/trên vốn chủ sở hữu của cả nền kinh tế tăng từ 2,1 giai đoạn 2011 – 2016 lên 2,5 năm 2017 (trong đó DNNN tăng từ 3,02 lên 4,24). Điều này có thể lý giải bởi hiện tượng tiết kiệm nhiều nhưng không đi vào khu vực sản xuất. Một nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế so với GDP ngày càng nhỏ đi là do việc chi trả sở hữu ngày càng lớn khiến lượng kiều hối không thể bù đắp nổi. Nếu không tính đến kiều hối, tiết kiệm của nền kinh tế xấp xỉ đầu tư hàng năm, và đến 2015 trở lại đây tỷ lệ tiết kiệm nhỏ hơn tỷ lệ đầu tư .
Hình 3. Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư so với GDP trong trường hợp không có kiều hối (%)
Nguồn: TCTK, BTC, NHNN và tính toán của tác giả
Bài viết trích từ Báo cáo Khoa học thường niên: “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019” của trường Đại học kinh tế Quốc Dân. Theo PGS. TS. Tô Trung Thành, ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 sẽ giúp các nhà phân tích, hoạch định chính sách nghiên cứu sâu hơn về kinh tế Việt Nam.