Dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam, Một loạt các lĩnh vực dịch vụ như Dịch vụ lưu trú và ăn uống (3,78% GDP năm 2018), Vận tải, kho bãi (2,7% GDP năm 2018), Giáo dục và đào tạo (3,67% GDP năm 2018), và Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (0,58% GDP năm 2018) bị ảnh hưởng nặng. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu khách, giảm 49,8% so với tháng trước và giảm 35,8% so với cùng kỳ,….
Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới kinh tế thế giới. (Ảnh: Reuters)
Dịch viêm phổi Vũ Hãn Covid-19 làm gián đoạn các chuỗi giá trị, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến do các công ty, nhà máy sản xuất không chỉ ở Vũ Hán, mà ở toàn Trung Quốc đang trong tình trạng ngưng trệ. Mặt khác, các chuỗi sản xuất bị chặn bởi những kết nối, giao thương để tạm thời chống dịch. Trong khi đó, rất nhiều lĩnh vực của Việt Nam đều phụ thuộc đầu vào trong chuỗi cung ứng đó. Quan trọng hơn là sự gián đoạn, lo ngại của người tiêu dùng, điều này sẽ tác động lớn đến lĩnh vực du lịch – dịch vụ.
Ảnh hưởng nghiệm trọng bởi nó tác động khá đa chiều và lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Trên thực tế, tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới hiện đang giảm tốc, với những ảnh hưởng hiện nay do dịch Covid -19 nên mức độ giảm tốc có thể cao hơn và tác động mạnh mẽ đến tổng cầu kinh tế thế giới, các đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Hình ảnh: PGS. TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân)- Nhóm nghiên cứu về tác động của Covid-19 tới nền kinh tế Việt Nam – đồng chủ biên của ấn phẩm khoa học thường niên.| Hình ảnh: V-Startup LeCerne
Theo PGS.TS Tô Trung Thành, đồng chủ biên Ấn phẩm Triển vọng của nền kinh tế 2020 và giải pháp ( Ấn phẩm thường niên của Đại học Kinh tế Quốc dân) đã đưa ra các tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam hiện nay:
Thứ nhất, tác động của dịch viêm phổi cấp tính COVID-19 có thể khiến GDP giảm tăng trưởng 0,6-0,8%
Dịch bệnh COVID-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ đầu năm 2020. Cho tới thời điểm 7/3/2020, dịch bệnh đã lan tới hơn 90 quốc gia, với hơn 100.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 3.000 người chết. Số người nhiễm bệnh và bị chết vì bệnh đều vượt xa các con số liên quan đến dịch SARS trong năm 2002-2003 (26 quốc gia, 8,098 trường hợp nhiễm và 774 trường hợp chết) và MERS trong năm 2012 (27 quốc gia, 2.494 trường hợp nhiễm và 858 trường hợp chết). Nếu như trước tháng 3, dịch bệnh chủ yếu diễn ra ở Trung Quốc thì kể từ tháng 3 dịch bệnh đã lan nhanh ở các nước ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở Italy, Iran và Hàn Quốc. Châu u và Mỹ – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh.
Khi đại dịch diễn ra trong một thời gian từ 3 tháng trở lên trên qui mô toàn cầu, nó sẽ tạo ra cú sốc trên cả hai phía cung và cầu với mọi nền kinh tế. Theo dự báo của Bloomberg, trong kịch bản tồi nhất, thiệt hại tổng cộng của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu có thể lên đến 2,7 nghìn tỷ USD, với các nền kinh tế rơi vào suy thoái, bao gồm ở Mỹ, khu vực đồng EURO và Nhật Bản, và mức tăng trưởng chậm nhất tại Trung Quốc.
Việt Nam hiện đã là một nền kinh tế có độ mở lớn với thế giới nên mức độ ảnh hưởng là rất đáng kể. Khi dịch bệnh diễn ra khoảng 2 hoặc 3 tháng, một phần của nền kinh tế hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Chẳng hạn, trong đợt dịch COVID-19 hiện nay, một loạt các lĩnh vực dịch vụ như Dịch vụ lưu trú và ăn uống (3,78% GDP năm 2018), Vận tải, kho bãi (2,7% GDP năm 2018), Giáo dục và đào tạo (3,67% GDP năm 2018), và Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (0,58% GDP năm 2018) bị ảnh hưởng nặng. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu khách, giảm 49,8% so với tháng trước và giảm 35,8% so với cùng kỳ,….
Diễn biến mới về dịch bệnh mới ở Hàn Quốc có thể làm trầm trọng hơn tình hình. Hàn Quốc hiện đang tiêu thụ 3,1 tỷ USD hàng dệt may, giầy dép, đồ gỗ và điện thoại của Việt Nam. Về nhập khẩu, linh kiện nhập từ thị trường này ước đạt 11,7 tỷ USD, chiếm 40% trong sản xuất. Với việc dịch bệnh đã và đang bùng phát mạnh ở châu u, các hoạt động kinh tế của Việt Nam với khu vực này chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Nếu dịch bệnh chỉ kéo dài 2-3 tháng, đa phần các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vẫn có thể chịu đựng được. Có thể một số các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải tạm ngừng hoạt động do không đủ vốn lưu động để bù đắp cho chi phí thuê lao động và thuê mặt bằng kinh doanh. Các chủ doanh nghiệp quy mô lớn và trường vốn vẫn có thể trả người lao động có hợp đồng ở mức lương tối thiểu. Đa số người lao động sẽ sử dụng tiền tiết kiệm để chi tiêu thay vì đi tìm việc làm mới. Tất cả đều hy vọng rồi mọi chuyện bình thường sẽ quay trở lại. Cầu đối với phần còn lại của nền kinh tế chỉ bị ảnh hưởng đôi chút.
Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn, nền kinh tế có thể sẽ rơi vào suy thoái. Những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu sẽ không thể cầm cự được thêm, buộc phải ngừng hoạt động và sa thải nhân công. Lực lượng lao động không có việc làm này sẽ khiến cho cầu trong nền kinh tế bị sụt giảm tiếp, kéo theo các doanh nghiệp trong các ngành khác bị ảnh hưởng theo. Nếu số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động lớn sẽ khiến cho nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn cho những ngành khác trong nền kinh tế. Suy giảm kinh tế có thể sẽ ngày càng tồi tệ, biến thành suy thoái kinh tế. Trong khi đó, chi tiêu của nhà nước cho công tác phòng chống dịch bệnh ngày càng tăng. Nguồn thu ngân sách của nhà nước lại bị sụt giảm. Khả năng chi tiêu của nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế sau khi dịch bệnh kết thúc sẽ bị giảm đi.
Thứ hai, kinh tế thế giới suy giảm và căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng rủi ro đến thương mại quốc tế
Kinh tế Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc khá lớn vào tình hình biến động của kinh tế thế giới, với độ mở của nền kinh tế tính theo quy mô xuất nhập khẩu/GDP đã lên đến gần 200%. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020 tiếp tục suy giảm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó bao trùm nhất vẫn là rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kéo dài và dịch COVID-19. Với những cú sốc bên ngoài và khả năng chống đỡ còn nhiều hạn chế, xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Với khả năng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung còn diễn biến khó lường, có ba rủi ro lớn mà các DN Việt Nam phải đối mặt khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
Thứ nhất là rủi ro về xuất xứ hàng hóa. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể khiến nhiều DN Trung Quốc có nhiều thủ thuật để thay đổi nguồn gốc xuất xứ sang Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh thuế. Vấn đề “rửa xuất xứ” này có rủi ro là hàng hóa Việt Nam có thể sẽ bị điều tra về xuất xứ, hình ảnh hàng hóa Việt Nam bị ảnh hưởng, và thậm chí có thể sẽ bị trừng phạt cho tất cả các hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Thực tế cho thấy trong thời gian qua, có sự gia tăng đột biến xuất khẩu mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ, trong khi đồng thời Việt Nam nhập khẩu giá trị lớn gỗ dán từ Trung Quốc.
Thứ hai, là những rủi ro chung từ quan điểm chính sách bất định của Mỹ và rủi ro các biện pháp bảo hộ leo thang (cả về phạm vi và mặt hàng). Hiện nay, Mỹ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu, bên cạnh những quy định chung thì các tiểu bang cũng có những quy định riêng về tiêu chuẩn hàng hóa. Những tiêu chuẩn và quy định mới cũng phức tạp hơn về chất lượng hay nguồn gốc sản phẩm.
Thứ ba, Việt Nam chịu tác động gián tiếp từ leo thang căng thẳng Mỹ- Trung do suy giảm nhu cầu bên ngoài. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tăng lên có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi toàn cầu và hạ thấp tổng cầu, tác động trực tiếp đến xuất khẩu nói chung của Việt Nam và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ nói chung (trong bối cảnh độ mở kinh tế lớn như hiện nay). Ngoài ra, Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn. Với những bất ổn của xu hướng thương mại và đầu tư thế giới, các chuỗi sản xuất này có thể bị ảnh hưởng, thậm chí gián đoạn ở những khâu sản xuất ở Việt Nam.
Thứ ba, sáng kiến BRI và áp lực gia tăng nợ công và dự án kém hiệu quả
Nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có vai trò quan trọng đối với tương lai của Sáng kiến BRI. Ở khu vực ASEAN, chỉ trong mấy năm gần đây, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng tại các nước láng giềng của Việt Nam với Trung Quốc đã được thiết lập. Hạ tầng giao thông được định hình có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, nhưng có thể làm giảm lợi thế của Việt Nam nếu hệ thống cơ sở hạ tầng mới tạo ra tuyến giao thông thông suốt giữa Trung Quốc và Đông Nam Á không đi qua Việt Nam (trong trường hợp Việt Nam không tham gia), khi đó vai trò cầu nối của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á sẽ bị giảm đi.
Hiện nay, Việt Nam chỉ mới chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng theo chiều dọc Bắc – Nam, trong khi việc xây dựng kết nối Đông – Tây với các nước láng giềng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nếu không tham gia, Việt Nam có khả năng cũng sẽ bỏ lỡ những khu vực kinh tế chung dọc theo tuyến “Con đường Tơ lụa”, nơi được định danh sẽ là những thị trường thương mại trong tương lai với triển vọng tiềm năng. Ngược lại, việc tham gia nhưng không bảo đảm được nguồn vốn từ Việt Nam và/hoặc sự tham gia của DN Việt Nam có thể sẽ dẫn tới không ít phản ứng trái chiều, qua đó ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển hạ tầng ở trong nước.
Nếu tham gia vào sáng kiến BRI thì cũng có rất nhiều điềm phải cân nhắc thận trọng. Một là, áp lực có thể gia tăng đối với nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam. Hai là, từ thực tiễn các dự án BRI từ các quốc gia khác và các dự án ở Việt Nam có sử dụng vốn vay của Trung Quốc, có thể thấy khoảng 70% các dự án rơi vào tay các công ty, nhà thầu hoặc nhân công Trung Quốc. Việc các DN Trung Quốc mang theo lao động của mình sang quốc gia bản xứ để lao động cũng là một vấn đề không thể xem nhẹ. Ba là, Việt Nam cũng cần chú tâm tới vấn đề chất lượng các dự án được Trung Quốc đầu tư. Việc sử dụng vốn của Trung Quốc để đầu tư cho các dự án tại Việt Nam đã và đang đặt ra các thách thức trong việc quản lý chất lượng, tiến độ, chi phí (vận hàng, bảo dưỡng, thay thế), xử lý các vấn đề môi trường xã hội, ví như là dự án Nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận hay tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh, v.v. Bốn là, khác với việc tiếp cận nguồn vốn từ các định chế tài chính như WB, ADB hay IMF, các khoản vay từ Trung Quốc thường không hướng tới các nỗ lực thúc đẩy cải cách theo hướng thị trường của các nền kinh tế.
Như vậy, Việt Nam cần cân nhắc thấu đáo về lợi ích tiềm năng từ việc chủ động tham gia vào sáng kiến BRI và yêu cầu nâng cao khả năng quản trị để tránh rơi vào “bẫy nợ” hoặc tình trạng dự án kém hiệu quả. Bên cạnh đó, việc dựa vào nguồn vốn vay từ Trung Quốc cũng gắn với nhiều rủi ro. Khác với việc vay tiền từ WB hay IMF, những khoản vay từ Trung Quốc thường phải gắn với nhiều điều kiện đi kèm, thậm chí là đòi hỏi thế chấp bằng những tài sản quốc gia có tầm quan trọng chiến lược và có giá trị cao trong dài hạn.
Thứ tư, thể chế kinh tế thị trường còn chưa hoàn thiện gây cản trở đến quá trình hội nhập và tăng trưởng dài hạn
Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, chưa thực sự theo các thông lệ của các nền kinh tế thị trường ở các nước có trình độ phát triển cao hơn, gây cản trở cho quá trình đổi mới, tăng trưởng dài hạn cũng như tận dụng cơ hội của hội nhập. Thị trường các nhân tố đầu vào sản xuất chưa vận hành hiệu quả, nhất là thị trường nguyên liệu và đầu vào trung gian, làm tăng chi phí sản xuất.
Đến nay một số nước (đặc biệt là Mỹ, EU) vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Điều này có ảnh hưởng khá lớn đến thu hút và sử dụng FDI cũng như cách mà các DN FDI hoạt động tại Việt Nam: tận dụng lao động rẻ, tài nguyên, các tiêu chuẩn môi trường dưới chuẩn, trách nhiệm xã hội khiêm tốn, đặc biệt là chưa mang lại tác động lan tỏa năng suất cho DN trong nước, đồng nghĩa với hiệu quả FDI không cao. Bên cạnh đó, các DN hoạt động ở Việt Nam có thể gặp khó khăn khi đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá.
Về môi trường đầu tư – kinh doanh, các rào cản đối với hoạt động đầu tư vẫn hiện hữu, đáng kể nhất là sự thiếu nhất quán và minh bạch của các chính sách, quy trình và quy định đầu tư. Mặc dù quy định không có phân biệt đối xử giữa các khưc vực DN, tuy nhiên còn thiếu minh bạch trong quy trình làm việc với các cơ quan quản lý. Thêm nữa, trong không ít trường hợp, các thủ tục cấp phép phức tạp đòi hỏi các nhà đầu tư phải được sự chấp thuận của nhiều bộ, cơ quan và CQĐP khác nhau, cũng như cách xử lý khác biệt của các cơ quan này trong cách diễn giải các luật và quy định đầu tư.
Hình ảnh: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao những biện pháp triển khai cũng như hệ thống phòng dịch, miễn dịch. Nguồn: Molisa.gov.vn.
Thứ năm, khu vực DN còn nhiều hạn chế, khu vực kinh tế trong nước chưa thể trở thành động lực tăng trưởng chính
Khu vực DN trong nước chủ yếu là DNNVV, hạn chế cả về vốn, công nghệ, lao động có kỹ năng, kỹ năng quản trị. Các DN ở khu vực tư nhân còn phải đối mặt với những rào cản phát triển lớn, đặc biệt là khả năng tiếp cận tín dụng và đất đai. Khu vực trong nước chưa thể trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, thay thế cho khu vực FDI.
Nhìn từ góc độ chuỗi giá trị, DN Việt Nam còn gặp khá nhiều hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành và quan hệ liên kết – hợp tác. Khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam ở nhiều mặt hàng truyền thống chậm được cải thiện, nếu không nói là suy giảm đáng kể. Xây dựng khả năng cạnh tranh ở các mặt hàng mới còn chậm hơn kỳ vọng. Bản thân không ít DN Việt Nam còn thiếu kiên nhẫn, thiếu tầm nhìn, thiếu khát vọng, thiếu chủ động và thiếu động lực để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đây cũng là một nút thắt rất lớn ảnh hưởng đến khả năng liên kết giữa DN trong nước với DN FDI để tận dụng được lợi ích lan tỏa từ nguồn vốn này.
Trong khi đó, hiện thương mại quốc tế của Việt Nam đang nằm trong tay các DN FDI với khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, các DN FDI hiện tại chỉ mạnh trong loại hàng hóa vật chất chứ không phải loại hàng hóa vô hình trong bối cảnh CMCN 4.0. Dưới tác động của CMCN 4.0, điều đáng lo ngại là các thế mạnh làm nên lợi thế so sánh của Việt Nam đang dần mất đi, kể cả lợi thế về nguồn lao động sẵn có với chi phí rẻ. Sự chuyển dịch đầu tư ngày nay đang diễn biến phức tạp, không chỉ đơn thuần liên quan đến vấn đề địa lý, cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia hay lục địa mà rộng hơn nữa, đó là sự chuyển dịch chất xám, tiếp cận những kỹ thuật sản xuất sáng tạo, tư duy xa hơn những vấn đề cơ bản và phát triển những dây chuyền cung ứng hiệu quả nhất.
Thứ sáu, rủi ro về ngân sách vẫn còn hiện hữu, làm giảm dư địa chính sách tài khóa
Trong dự toán thu NSNN năm 2020, dự toán thu nội địa 1.264,1 nghìn tỷ đồng, dự toán thu dầu thô 35,2 nghìn tỷ đồng, dự toán thu cân đối từ hoạt động XNK 208 nghìn tỷ đồng. Thu nội địa sẽ phải tăng so với ước thực hiện 2019 dù chỉ gần 3% vẫn là một thách thức không nhỏ khi mà tình hình sản xuất kinh doanh nội địa còn nhiều khó khăn, và thu nội địa còn phụ thuộc nhiều vào thu từ đất đai (ước tính vẫn chiếm 9,5% tổng thu NSNN năm 2019). Nguồn thu này tương đối rủi ro với thu NSNN khi thị trường bất động sản 2020 chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trong dự toán thu 2020, dự kiến mức thu với khu vực DNNN tăng 3% so với dự toán 2019 là không lớn song vì tình hình hoạt động của DNNN còn nhiều hạn chế nên mức tăng này cũng không dễ dàng đạt được. Đối với thu ngoài quốc doanh dự toán 2020 tăng 12,2% so với 2019 là mức tăng tương đối cao trong điều kiện khu vực này còn rất nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương khi kinh tế suy giảm.
Bên cạnh đó, do đã đến thời hạn trả nợ song việc bố trí nguồn vốn cho trả nợ gốc gặp khó khăn nên Việt Nam buộc phải phát hành trái phiếu chính phủ để vay trả nợ gốc. Phần lớn trái phiếu lại là huy động từ nguồn trong nước. Hệ quả là nền kinh tế có thể vẫn sẽ đối mặt với tình trạng lãi suất cao và nguy cơ tăng giá. Khi quy mô phát hành trái phiếu chính phủ tiếp tục ở mức cao sẽ có nguy cơ tạo ra hiệu ứng lấn át với thị trường vốn, sẽ khó khăn cho việc giảm lãi suất trong nền kinh tế. Thâm hụt ngân sách và nợ công chưa được giải quyết triệt để khiến dư địa cho chính sách tài khóa thu hẹp, theo đó, DN luôn đối diện rủi ro tăng thuế phí, cản trở sự cải thiện của môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Bài viết trích từ Báo cáo Khoa học thường niên: “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019” của trường Đại học kinh tế Quốc Dân – Chủ biên: GS.TS Trần Thọ Đạt – PGS.TS Tô Trung Thành