Những năm qua, NSLĐ của Việt Nam liên tục gia tăng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của đất nước. Điển hình như, năm 2017, NSLĐ đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP, cao hơn so với mức 66,3% giai đoạn 1990-2000 và 61,9% giai đoạn 2000-2012. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước đạt 93,2 triệu đồng/lao động.
Hình ảnh: Internet
PGS.TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân) – đồng chủ biên của ấn phẩm thường niên | Hình ảnh: V-Startup Le Cerne
Năng suất là thước đo mức độ hiệu quả do con người và các đơn vị sản xuất chuyển đổi nguồn lực sản xuất để tạo ra sản phẩm là hàng hóa và dịch vụ cho xã hội. Năng suất lao động (NSLĐ) phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất của lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian, hay lượng thời gian lao động hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Tuy nhiên, theo số liệu cụ thể của Tổng cục thống kê cho thấy năng suất lao động nước ta có sự khác biệt rõ rệt giữa các ngành kinh tế.
NSLĐ của các ngành kinh tế (triệu đồng, giá so sánh 2010)
Năm
Ngành |
2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 |
Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản | 16,33 | 16,97 | 17,47 | 17,89 | 18,50 | 19,88 | 21,01 | 22,37 | 24,46 |
Công nghiệp | 67,47 | 69,60 | 73,53 | 75,95 | 79,80 | 81,74 | 80,07 | 82,45 | 85,76 |
Công nghiệp chế biến chế tạo | 42,03 | 45,71 | 48,93 | 51,27 | 53,97 | 54,76 | 55,86 | 60,82 | 65,88 |
Công nghiệp khác | 114,01 | 114,08 | 119,57 | 122,91 | 129,99 | 137,17 | 129,61 | 126,96 | 126,26 |
Dịch vụ | 55,01 | 56,11 | 56,55 | 58,35 | 60,55 | 62,71 | 66,24 | 69,20 | 70,23 |
Bán buôn, bán lẻ; Dịch vụ
lưu trú, ăn uống |
34,488 | 35,12 | 35,57 | 36,98 | 38,81 | 40,65 | 43,51 | 46,34 | 46,67 |
Vận tải, kho bãi | 43,81 | 47,21 | 47,31 | 48,85 | 51,31 | 51,96 | 54,48 | 54,16 | 57,68 |
Thông tin và truyền thông | 77,29 | 80,11 | 83,75 | 86,76 | 88,29 | 90,12 | 96,17 | 104,59 | 118,78 |
Hoạt động tài chính, ngân hàng và
bảo hiểm; Kinh doanh bất động sản |
697,60 | 623,40 | 587,66 | 582,91 | 578,12 | 585,03 | 591,56 | 572,12 | 539,09 |
Hoạt động chuyên môn,
khoa học công nghệ |
128,75 | 135,32 | 128,53 | 137,78 | 146,57 | 155,79 | 166,36 | 179,12 | 165,78 |
Các dịch vụ khác | 37,83 | 39,41 | 41,38 | 43,34 | 45,07 | 46,77 | 49,16 | 51,43 | 52,78 |
Nền kinh tế | 38,48 | 40,04 | 41,63 | 43,18 | 45,19 | 48,19 | 50,73 | 53,81 | 57,11 |
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu của TCTK.
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản:
Trong giai đoạn 2010 – 2019, NSLĐ của ngành tăng xấp xỉ 1,65 lần từ mức 16,3 triệu đồng/lao động năm 2010 lên mức 26,9 triệu đồng/lao động năm 2019. Đây là giai đoạn có sự dịch chuyển mạnh mẽ của lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp có mức năng suất cao hơn. Từ năm 2011 đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng NSLĐ bình quân của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tương đối thấp, chỉ đạt mức 4,03%. Thời kỳ 2016 – 2019, NSLĐ của ngành tăng trưởng nhanh hơn thời kỳ trước với tốc độ trung bình 7,86%/năm. Tuy vậy, so sánh với các nước ASEAN, mức NSLĐ ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ở Việt Nam ở mức rất thấp, thấp hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực, chỉ cao hơn so với Lào. NSLĐ nông nghiệp của Việt Nam chỉ bằng 35-36% so với Thái Lan và bằng 40% so với Trung Quốc (WDI, 2019).
Ngành công nghiệp:
So với hai nhóm ngành còn lại, nhóm ngành công nghiệp có mức năng suất cao nhất. Năm 2019, bình quân mỗi lao động công nghiệp tạo ra 84,17 triệu đồng; tăng 16,7 triệu đồng so với năm 2010. Đặc biệt là ngành công nghiệp khác (khai khoáng, sản xuất phân phối điện, khí đốt,….) có năng suất lao động rất cao, đứng thứ 2 trong 9 ngành phân loại (chỉ sau ngành ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản). Trong khi đó, NSLĐ của ngành công nghiệp CBCT tăng từ 42,03 triệu đồng/lao động năm 2010 lên 65,88 triệu đồng/lao động năm 2018 với tốc độ trung bình 5,81%/năm. Trong thời kỳ 2015 – 2018, NSLĐ công nghiệp CBCT tăng chậm trong các năm 2015, 2016 (chỉ khoảng 1%-2%), sau đó tăng 8,8% năm 2017 và 8,3% năm 2018.
Mặc dù mức NSLĐ của ngành công nghiệp CBCT cao hơn so với NSLĐ bình quân của nền kinh tế, nhưng thấp hơn so với nhiều ngành khác trong nền kinh tế. Theo kết quả của một cuộc khảo sát của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) về điều kiện kinh doanh của các công ty Nhật Bản tại 20 quốc gia ở Châu Á và Châu Đại Dương, năng suất của các DN ngành công nghiệp CBCT của Việt Nam thấp hơn so với các công ty cùng ngành ở Đông Nam Á.
Ngành dịch vụ: Năm 2019 bình quân mỗi lao động dịch vụ tạo ra 74,11 triệu đồng; tăng 19,1 triệu đồng so với mức 55,01 triệu đồng năm 2010. Nhìn chung trong cả giai đoạn 2010 – 2019, NSLĐ của nhóm ngành dịch vụ luôn thấp hơn so với nhóm ngành công nghiệp và cao hơn mức trung bình của toàn nền kinh tế.
Ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản: Là nhóm ngành có mức NSLĐ cao nhất của nền kinh tế trong giai đoạn 2010 – 2018. Tuy nhiên, NSLĐ của ngành có xu hướng giảm dần từ mức 697,6 triệu đồng/lao động năm 2010 xuống còn 539,09 triệu đồng/lao động năm 2018. Xét trong cả giai đoạn 2010 – 2018, NSLĐ của ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bất động sản có tốc độ tăng trưởng âm, trừ hai năm 2015 và 2016 có tốc độ tăng trưởng dương ở mức 1,1-1,2%.
Hoạt động chuyên môn KHCN: xếp ở vị trí thứ hai, sau hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản trong bảng xếp hạng về NSLĐ của toàn nền kinh tế. NSLĐ của ngành hoạt động chuyên môn KHCN đạt 128,75 triệu đồng/lao động năm 2010 và 165,78 triệu đồng/lao động năm 2018, cao gấp 3 lần mức NSLĐ bình quân của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng NSLĐ của ngành tăng giảm không ổn định, trung bình cả giai đoạn chỉ đạt mức 3,37%.
Thông tin và truyền thông: Là nhóm ngành đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng về năng suất với mức NSLĐ luôn gấp đôi NSLĐ trung bình của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2010-2018, NSLĐ ngành thông tin và truyền thông tăng từ 77,29 triệu đồng/lao động lên 118,78 triệu đồng/lao động với tốc độ bình quân 5,58%. Năm 2017 và 2018, NSLĐ ngành thông tin và truyền thông có mức tăng khá cao, tương ứng là 8,76% và 13,57%.
Đối với ngành bán buôn, bán lẻ và dịch vụ lưu trú, ăn uống: nằm ở nhóm có mức NSLĐ thấp nhất trong nền kinh tế. Năm 2010, NSLĐ của ngành đạt mức 34,49 triệu đồng/lao động, năm 2018 tăng lên 46,67 triệu đồng/lao động, chỉ cao hơn mức NSLĐ của ngành nông nghiệp. Trong cả giai đoạn, NSLĐ của ngành tăng trưởng nhanh trong hai năm 2016-2017 (6,5 – 7%), sau đó chậm lại đáng kể vào năm 2018 ở mức 0,7%.
Ngành vận tải: Năm 2018, bình quân mỗi lao động ngành vận tải, kho bãi tạo ra 57,68 triệu đồng, tăng 13,87 triệu đồng so với mức 43,81 triệu đồng năm 2010, và cao hơn mức NSLĐ bình quân của nền kinh tế. Tốc độ tăng NSLĐ của ngành vận tải, kho bãi không ổn định, bình quân đạt 3,5%/năm trong giai đoạn 2010 – 2018.
Theo PGS.TS Tô Trung Thành nhận định, nhìn chung, mức NSLĐ khá cao tập trung ở một số ngành trong nền kinh tế, trong đó dẫn đầu là ngành hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản; tiếp đến là ngành hoạt động chuyên môn KHCN; vị trí thứ ba thuộc về các ngành công nghiệp khác (trong đó có ngành khai khoáng), đứng thứ tư là ngành thông tin và truyền thông.
Kết quả cho thấy khoảng cách khá lớn về mức NSLĐ giữa bốn ngành top đầu và giữa các ngành top đầu với các ngành còn lại trong nền kinh tế. Do chỉ có khoảng trên 2% lao động trong nền kinh tế làm việc trong top 4 ngành có mức NSLĐ cao nhất nên có thể nhận định rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến mức NSLĐ tổng thể của nền kinh tế thấp là hầu hết việc làm tập trung trong những ngành có mức NSLĐ thấp.
Bài viết trích từ Báo cáo Khoa học thường niên: “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019” của trường Đại học kinh tế Quốc Dân – Chủ biên: GS.TS Trần Thọ Đạt – PGS.TS Tô Trung Thành