Trong khi nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm thì Việt Nam vẫn là một ngoại lệ. Nhiều chuyên gia nước ngoài tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN vào năm nay và còn tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Tuy nhiên, năm 2019 cũng đã chứng kiến những đánh giá khác nhau về Việt Nam từ các bảng xếp hạng thế giới về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Từ đó, nhận định chung là Việt Nam vẫn còn ở một khoảng cách khá xa so với các quốc gia trong khu vực.
Ở bảng xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business 2020, WB tiếp tục đánh tụt vị trí của Việt Nam xuống 1 bậc, liên tiếp trong 3 năm (hiện xếp thứ 70/190 quốc gia và vùng lãnh thổ), mặc dù vẫn đạt được số điểm cao hơn. Điều này hàm ý cho dù Việt Nam đang cải cách đúng hướng, nhưng tốc độ còn chưa cao và thiếu năng động hơn so với các nước khác.
Bên cạnh đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Ngày 9/10/2019 Moody’s thông báo đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc sau khi nhận được thông tin rằng Chính phủ Việt Nam hoãn thanh toán một số nghĩa vụ nợ. Đến ngày 18/12/2019, Moody’s điều chỉnh triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức “ổn định” xuống mức “tiêu cực”, mặc dù vẫn nhận định việc Chính phủ Việt Nam chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp “là sự yếu kém về thể chế, quản trị hơn là tài chính, bao gồm vấn đề về các thủ tục hành chính phức tạp cản trở việc thanh toán kịp thời và suôn sẻ”.
Trong khi đó, ở bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đã tăng 10 bậc, từ thứ hạng 77 năm 2018 lên 67 năm 2019. Đây là mức tăng tương đối ấn tượng, giúp Việt Nam vượt lên trên nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Ấn Độ (xếp hạng 58 trong năm 2018 nhưng tụt xuống 68 trong năm 2019) hay Brazil (xếp hạng 72 trong năm 2018 và 71 trong năm 2019). Tuy vậy, so với một số nước trong khu vực như Singapore (84,8 điểm xếp hạng 1), Malaysia (74,6 điểm xếp hạng 27), Thái Lan (68,1 điểm xếp hạng 40), Indonesia (64,6 điểm xếp hạng 50) thì Việt Nam còn ở mức rất thấp.
Các tổ chức xếp hạng tín dụng khác bao gồm Fitch và S&P trong năm 2019 đều có những động thái tích cực trong việc nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam. Tháng 5/2019, Fitch nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức Ổn định lên Tích cực, đồng thời tiếp tục duy trì mức xếp hạng BB, ghi nhận thành quả của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện chất lượng và hiệu quả điều hành kinh tế.
Tương tự, tháng 4/2019, tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s cũng nâng xếp hạng quốc gia trong dài hạn của Việt Nam từ mức BB- lên BB, với triển vọng ổn định. Xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn được giữ nguyên ở B. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam.
Bảng 1.2. Xếp hạng của Việt Nam trong một số chỉ số từ các tổ chức quốc tế.
Đánh giá năm 2018 | Đánh giá năm 2019 | Thay đổi | |
Chỉ số Môi trưởng kinh doanh (Doing Business) của World Bank | 68,36 điểm (xếp hạng 69/190) | 69,80 điểm (xếp hạng 70/190) | Tăng 1,44 điểm (giảm 1 bậc xếp hạng) |
Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của World Economic Forum | 58,1 điểm (xếp hạng 77/140) | 61,5 điểm (xếp hạng 67/141) | Tăng 3,5 điểm (tăng 10 bậc xếp hạng) |
Xếp hạng tín nhiệm quốc gia Moody’s (12/2019) | Triển vọng ổn định | Triển vọng tiêu cực | Thay đổi triển vọng tín nhiệm quốc gia từ mức ổn định sang tiêu cực. Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba3 với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm |
Xếp hạng tín nhiệm quốc gia Fitch (05/2019) | Triển vọng ổn định. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia: BB. | Triển vọng tích cực. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia: BB. | Thay đổi triển vọng tín nhiệm quốc gia từ mức ổn định sang tích cực. Duy trì mức xếp hạng BB. |
Xếp hạng tín nhiệm quốc gia S&P (04/2019) | Triển vọng ổn đinh. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn: BB-. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia ngắn hạn: B. | Triển vọng ổn đinh. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn: BB. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia ngắn hạn: B. | Xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn tăng từ BB- lên BB. |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Dựa trên mục Khu vực kinh tế thực năm 2019 trong Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2019 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chúng tôi đã đưa ra một số tiêu chí, số liệu về tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 như sau:
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế các quý đều thấp hơn 7% (ngoại trừ quý III tăng 7,48%), tăng trưởng của cả năm 2019 vẫn đạt ở mức trên 7% cho cả năm (7,02%), vượt mục tiêu 6,8% do Quốc hội đề ra. Tuy thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng kỷ lục của năm 2018 nhưng đây vẫn là tín hiệu tích cực, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn tương đối ảm đạm. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2019 cũng mới chỉ đạt 2.698 USD/người/năm, tương đương mức trung bình nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, thấp hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực.
Tăng trưởng kinh tế và GDP bình quân đầu người
Ghi chú: Trục trái: GDP bình quân đầu người; Trục phải: Tăng trưởng GDP | Nguồn: TCTK
Mặc dù tăng trưởng kinh tế ở mức khá, nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn còn chưa được như kỳ vọng. Mức tăng trưởng năm 2019 thấp hơn so với năm 2018 trong bối cảnh tỷ trọng tổng đầu tư xã hội/GDP vẫn duy trì ở mức cao (từ 33,5% năm 2018 tăng lên 33,9% năm 2019), đồng thời dư nợ tín dụng/GDP đã ở mức trên 130% trong năm 2019. Đóng góp của nền tảng khoa học và công nghệ đến tăng trưởng còn chưa cao.
Tăng trưởng kinh tế, đầu tư và tín dụng
Nguồn: TCTK, NHNN
Năng suất lao động
Theo số liệu của Conference Board Total Economy Database cho thấy tốc độ tăng NSLĐ Việt Nam mặc dù cao nhất so với các nước trong khu vực, nhưng lại giảm so với năm 2018 (từ 6,4% năm 2018 xuống còn 5,9% năm 2019), và quan trọng hơn là không đủ cao để có thể giúp Việt Nam giảm nhanh được cách biệt quá lớn về chênh lệch NSLĐ và duy trì tăng trưởng cao và bền vững.
Đặc biệt, cần lưu ý là cách tính toán NSLĐ của Việt Nam chưa phản ánh thực sự về NSLĐ. Số liệu TCTK cho thấy, NSLĐ của các ngành kinh tế được tính bằng giá trị tăng thêm (Gross Value added) theo giá cơ bản chia cho số lao động, nhưng tổng năng suất của nền kinh tế lại là GDP chia cho số lao động. Nếu sử dụng GVA, NSLĐ thực tế thấp hơn con số công bố. Cụ thể, TCTK công bố NSLĐ năm 2017 tính theo GDP là 93,2 triệu đồng/lao động nhưng nếu tính theo tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản chỉ là 84 triệu đồng/lao động. Các con số tương ứng của năm 2018 là 102,2 triệu đồng/lao động và 91 triệu đồng/lao động; của năm 2019 là 110,4 triệu đồng/lao động và 93 triệu đồng/lao động.
Theo đó, năm 2020 và những năm tiếp theo cần có những giải pháp đột phá nhằm thiết lập nền tảng tăng trưởng vững chắc trong thập kỷ tới.
-
Bài viết dựa trên Báo cáo Khoa học thường niên: “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019” của trường Đại học kinh tế Quốc Dân. Theo PGS. TS. Tô Trung Thành, ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 sẽ giúp các nhà phân tích, hoạch định chính sách nghiên cứu sâu hơn về kinh tế Việt Nam.