Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp; là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Năng suất lao động chính – yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh  tế và doanh nghiệp.  Nguồn: TTXVN

Ở Việt Nam, năng suất lao động xã hội là một chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (quy định trong Luật Thống kê), được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian.

Theo số liệu về GDP do TCTK công bố trước năm 2010 gộp  giá trị gia tăng của các ngành và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm. Từ năm 2010 trở lại đây, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm được tách ra khỏi giá trị gia tăng của các ngành. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất của dữ liệu cho phân tích, thời kỳ nghiên cứu được xét đến trong nghiên cứu này là giai đoạn 2010 – 2019.

Trong giai đoạn 2010 – 2019, NSLĐ của Việt Nam đã tăng xấp xỉ 1,6 lần từ mức 38,47 triệu đồng/lao động năm 2010 lên mức 60,68 triệu đồng/lao động năm 2019 (tính theo giá so sánh 2010). Nếu tính theo giá hiện hành, NSLĐ năm 2019 đạt 110,4 triệu đồng/lao động, tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018. Mặc dù NSLĐ tổng thể tăng đều qua các năm nhưng nhìn chung mức NSLĐ của toàn nền kinh tế còn rất thấp. NSLĐ thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do những ngành có NSLĐ thấp lại chiếm tỷ trọng lao động cao (như nông nghiệp). Ngoài ra, chất lượng lao động mà biểu hiện trước hết ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn rất thấp (con số này là 21,9% năm 2018) và tăng chậm, ngay cả số đã qua đào tạo thì cơ cấu cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý (tỷ lệ tương quan giữa trình độ đại học trở lên – cao đẳng – trung cấp – sơ cấp tương ứng là: 1 – 0,35 – 0,63 – 0,38). Thực tế cho thấy, hiện nay Việt Nam đang rất thiếu lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và đang phải đối diện với những thách thức lớn về thiếu hụt lao động có trình độ cao, có kỹ năng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho nền kinh tế trong bối cảnh phát triển mới của kinh tế số.

 PGS. TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân)- đồng chủ biên của ấn phẩm thường niên. Hình ảnh: V-Startup Le Cerne

GS. TS. Tô Trần Thọ Đạt (Đại học Kinh tế Quốc dân) – chủ biên của ấn phẩm thường niên. Hình ảnh: V-Startup Le Cerne

Trong giai đoạn 2010 – 2019, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng NSLĐ bình quân đạt 5,2%/năm. Bình quân giai đoạn 2016 – 2019, NSLĐ tăng với tốc độ 5,93%/năm, cao hơn so với mức bình quân 4,61%/năm trong thời kỳ 2011-2015.

So sánh tốc độ tăng NSLĐ Việt Nam và một số quốc gia (%)

Tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam tương đối cao khi so sánh với các quốc gia trong khối ASEAN; NSLĐ của Việt Nam tăng với tốc độ trung bình 4,89% (xếp thứ 4 sau Myanmar,  Lào và Campuchia) trong giai đoạn 2010 – 2019

Nguồn: ILOSTAT.

Tuy nhiên với nền tảng mức NSLĐ thấp, mặc dù có tốc độ tăng khá nhưng khoảng cách tuyệt đối về NSLĐ giữa Việt Nam và các nước vẫn còn rất lớn. NSLĐ của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng khoảng 1/5 Malaysia; so với Thái Lan và Trung Quốc bằng khoảng 1/3, so với Indonesia bằng khoảng 1/2, và gần bằng một nửa NSLĐ trung bình của khối ASEAN.

NSLĐ của Việt Nam và một số nước trong khu vực năm 2019 (PPP USD 2011).

Nguồn: ILOSTAT.

Và tính theo giá cố định 2011 PPP, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 đạt 6.608,6 USD. Nếu Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng NSLĐ 5,88%/năm (như trong thời kỳ 2026-2019) với giả định tốc độ tăng lao động có việc làm là 0,71% và tốc độ tăng dân số 1,15% như thời điểm năm 2019 thì phải mất 19 năm, nghĩa là đến năm 2037 Việt Nam mới có thể đạt mức thu nhập bình quân đầu người mục tiêu 18.000 USD của năm 2035 (tương đương với Malaysia năm 2010).

Vậy để có thể đạt được mức độ tăng cao hơn nữa của NSLĐ trong giai đoạn sắp tới, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng cũ đã gần hết dư địa, chắc chắn cần phải có động lực mới. Nền tảng công nghệ số và KTS là một lựa chọn đó. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF, 2018), CMCN 4.0 với thay đổi mạnh mẽ công nghệ số, mở ra cơ hội cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển có cơ hội nhảy vọt, tạo nên những động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nền sản xuất tương lai sẽ được đặc trưng bởi những nhà máy có mức độ tự động hóa cao và tăng cường kết nối giữa các công đoạn của sản xuất. Nhà cung cấp, nhà sản xuất và khách hàng cũng sẽ được kết nối trên cùng một nền tảng chung, internet kết nối vạn vật. Công nghệ sẽ hỗ trợ từ công việc sản xuất đến công việc quản lý. Công nghệ mới có khả năng ứng dụng ở hầu hết các ngành kinh tế, có thể tạo nên những thay đổi lớn về phương thức sản xuất và NSLĐ trong các ngành kinh tế.

Bài viết trích từ Báo cáo Khoa học thường niên: “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019” của trường Đại học kinh tế Quốc Dân – Chủ biên: GS.TS Trần Thọ Đạt – PGS.TS Tô Trung Thành

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *