Ecomobi là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo và công nghệ di động, là một nền tảng hỗ trợ bán hàng trực tuyến (hay còn gọi là social selling platform) uy tín hàng đầu tại các quốc gia Đông Nam Á và các thị trường mới nổi. Đến với buổi Workshop 03 “Ideas: Ý tưởng khởi nghiệp” của chuỗi workshop “Start & Up: Behind the scenes”, anh Nguyễn Xuân Đông, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Moore Corp, đồng sáng lập và là Phó giám đốc tại Ecomobi PTE Singapore đã có những chia sẻ hết sức thiết thực về quá trình đi tìm ý tưởng khởi nghiệp cũng như những khó khăn thách thức.
Anh Nguyễn Xuân Đông – P.TGĐ Ecomobi có những chia sẻ xung quanh Startup của mình
Theo anh Nguyễn Xuân Đông, những khó khăn mà Ecomobi đã và đang phải đối diện đều là những khó khăn chung mà các startup trong lĩnh vực công nghệ gặp phải. Thứ nhất đó là sự thay đổi nhanh chóng về mặt công nghệ và thị trường kéo theo sự thay đổi rất nhanh về thói quen của người tiêu dùng trong việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Thứ hai đó là những khó khăn thách thức đến từ việc khác biệt về văn hóa kinh doanh, ngôn ngữ giữa các thị trường. Từ đây anh đưa ra lời khuyên đến với các Startup: “Bất cứ một doanh nghiệp tiến hành công việc kinh doanh ở nước ngoài thì đều phải thay đổi, thích ứng với sự khác biệt văn hóa”.
Bên cạnh đó, anh Đông cũng chia sẻ rằng ý tưởng kinh doanh rất nhiều; tuy nhiên để triển khai ý tưởng đó, huy động nguồn lực và chứng minh ý tưởng đó có giá trị với thị trường, với người dùng thì các startup cần đầu tư về mặt thời gian, nguồn lực, thử nghiệm nhiều phương án khác nhau. Cụ thể, đội ngũ sáng lập phải thực sự kiên trì và có nguồn lực đủ tốt, đủ lớn để theo đuổi ý tưởng và biến nó thành sản phẩm.
Với anh, quá trình đi tìm ý tưởng khởi nghiệp rất dài và đau khổ bởi vì kỹ thuật tìm kiếm ý tưởng có giá trị từ thực tiễn và trải nghiệm. Trong buổi Workshop này, anh Nguyễn Xuân Đông đã chỉ ra ba nội dung chính để tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp.
Những chia sẻ, kinh nghiệm về quá trình đi tìm ý tưởng khởi nghiệp từ anh Nguyễn Xuân Đông
Thứ nhất, tìm kiếm ý tưởng: Làm thế nào để có những ý tưởng?
“Một ý tưởng tốt chắc chắn không thể nào là thứ tự nhiên đến, nó là một quá trình tư duy, phát hiện, phát triển và thử nghiệm để biến thành một thứ có ý nghĩa”. Do vậy mà Phó Tổng giám đốc Ecomobi có gợi ý ra một số cách thức để gọi ý tưởng đến như sau:
– Ghi chép mọi lúc mọi nơi. (Không chỉ câu hỏi mà đôi khi cả vấn đề và giải pháp)
– Đi chơi, tách mình ra khỏi công việc, vượt qua các lối mòn sinh hoạt và suy nghĩ.
– Đọc truyện viễn tưởng, suy nghĩ về tương lai, bắt đầu bằng câu “thần chú”: Hãy tưởng tượng …
– Tập trung vào “nỗi đau” cần giải quyết. Tóm lại ở đây có vấn đề, vậy giải pháp ở đây là gì?
– Chia sẻ, thảo luận với bạn bè, người thân hoặc những chuyên gia trong ngành hoặc bạn tin tưởng.
Thứ hai, đánh giá ý tưởng: Cách đánh giá một ý tưởng tốt hay tồi?
Không những thế, anh Đông còn đề cập đến những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của một ý tưởng:
– Thị trường không có nhu cầu hoặc nhu cầu quá nhỏ: Cân nhắc một ý tưởng để biến nó thành sản phẩm khi nhu cầu về nó không có hoặc có rất ít.
– Giải quyết sai vấn đề: Tránh việc nhận định sai vấn đề từ đầu. Đặt vấn đề sai sẽ dẫn đến hàng loạt những sai lầm về sau, từ thị trường, khách hàng, chiến lược marketing v.v…
– Tốn quá nhiều chi phí nếu so với hiệu quả thu lại: Có rất nhiều ý tưởng tốn tiền, nhưng thực tế giải quyết vấn đề với những phương án đơn giản hơn nhiều.
Do vậy, cần đánh giá mức độ khả thi của ý tưởng theo các bước sau:
Bước 1: Tìm khách hàng mua sản phẩm trước tiên (Ai sẽ là người trả tiền “ý tưởng” này?)
Bước 2: Tìm ra lý do tại sao họ lại mua “ý tưởng” này?
Bước 3: Thời điểm hiện tại khách hàng đã có nhu cầu chưa? Nếu chưa thì bao giờ khách hàng có nhu cầu về nó?
Bước 4: Chúng ta sẽ tạo ra các sản phẩm này như thế nào?
Bước 5: Sản phẩm hữu hình thực sự nó sẽ như thế nào?
Thứ ba, thị trường và sản phẩm: Ý tưởng tưởng đó liệu có ra tiền?
Theo quan điểm của anh Nguyễn Xuân Đông: “Thị trường là câu trả lời chính xác nhất cho việc một ý tưởng tốt hay không. Một ý tưởng tốt khi và chỉ khi ý tưởng đó phù hợp với nhu cầu thị trường và có nhiều người sẵn sàng trả tiền cho nó”. Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu thị trường , anh có đưa ra một số phương pháp, cách thức:
– Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh:
+ Web Analytics: Moz, Comscore, Alexa, SimilarWeb.
+ Mobile Analytics: App Annie, Apptopia, Apptweak.
+ Social Analytics: Fanpage Karma, Spy Fu, Google Trends,
Nhưng các hiệu quả nhất là: Trực tiếp hỏi khách hàng mục tiêu.
– Sử dụng các công cụ quảng cáo, nghiên cứu thị trường:
+ Google Keyword Planner
+ Facebook Ads
+ Zalo ads Ads
+ Nielson Research, Statista…
– Tìm kiếm các cộng đồng, hội nhóm , fan v.v…
+ Facebook group, page
+ Youtube channel
+ Event ticket selling website
+ Web, forum, trang gọi vốn cộng đồng, các trang hỏi đáp v.v…
Cuối cùng, anh Đông còn tổng kết quy trình sơ lược phát triển sản phẩm:
– Xây dựng: Hoàn thiện một vài tính năng quan trọng và phát hành bản đầu tiên.
– Đo lường: Đưa sản phẩm đến với các đối tượng khách hàng tiềm năng để đánh giá tính hiệu quả.
– Học hỏi: Tiếp nhận các phản hồi từ khách hàng để thêm bớt, cải thiện, bổ sung các yếu tố cần thiết.